ĐO VẼ HOÀN CÔNG CÔNG TRÌNH
Đo vẽ hoàn công là gì?
Đo vẽ hoàn công là đo đạc xác định vị trí, cao độ, hình dáng, kích thước thực tế của công trình đã được xây dựng xong từng phần hay toàn phần rồi biểu diễn lên giấy.
Độ chính xác đo vẽ hoàn công < 0.2*(dung sai cho phép) ghi trong tiêu chuẩn chuyên ngành.
Nội dung đo vẽ hoàn công
- Với công trình ngầm phải đo vẽ trước khi lấp đất: đo vẽ vị trí các đỉnh góc ngoặt, tâm các giếng, nơi giao nhau với công trình ngầm khác, đường kính ống dẫn, khoảng cách giữa các giếng, độ cao đáy hố móng, máng rãnh, nắp giếng, đỉnh ống dẫn.
- Với đường dây dẫn trên không, đường dây điện: đo khoảng cách giữa các trụ cột, độ võng dây điện, khoảng cách đến các công trình hiện hữu, độ cáo các dầm, xà ngang.
- Đo vẽ móng: xác định từng phần đã đặt, kích thước các khối, các lỗ cửa, giếng đứng, độ cao nền, đế tựa, đỉnh móng.
- Đối với nhà: đo nối góc nhà đến các điểm khống chế trắc địa, xác định tọa độ chúng, kiểm tra kích thước, chu vi tầng ngầm và những chỗ lồi lõm.
- Đối với các cấu kiện đúc sẵn: xác định kích thước, vị trí thực của nó so với thiết kế.
- Đo vẽ công trình có tiết diện tròn như silo ống khói thì phải xác định tọa độ tâm tròn và bán kính.
- Đo vẽ đường: lưu ý kiểm tra các yếu tố đường cong, đo nối các đỉnh góc ngoặt đến lưới khống chế trắc địa, vị trí giao nhau với các công trình khác, độ cao mặt đường, đỉnh đường ray, khoảng cách giữa đường ra đến chỗ lồi ra của nhà hoặc công trình bên đường sắt, độ cao vỉa hè, chỗ thay đổi độ dốc của mặt cắt dọc đường, đáy rãnh kênh thoát nước.
- Khi đo vẽ quy hoạch mặt đứng thì phải đo độ cao bề mặt và mặt cắt theo các điểm đặc trưng tại các mắt lưới ô vuông, đo mặt cắt dọc ngang.
Xử lý số liệu và thành lập bản vẽ hoàn công
Thông thường, khi đo hoàn công theo các điểm rời rạc đặc trưng trên công trình, nếu các điểm rời rạc này trên bản vẽ thiết kế phải nằm trên đường thẳng, đường tròn, elip, đường cong, hoặc nằm trên mặt phẳng ngang, mặt phẳng nghiêng, v.v… thì dựa vào số liệu đo các điểm rời rạc mà xác định các hệ số phương trình của các đường hoặc mặt hồi quy theo nguyên tắc số bình phương nhỏ nhất. Sau đó so sánh độ lệch của điểm đo so với các đường/mặt vừa tính rồi đối chiếu với các sai hạn cho phép.
Tất cả các số liệu xử lý tính toán, đo đạc được đưa lên bản vẽ hoàn công. Cơ sở để thành lập bản vẽ hoàn công là các bình đồ tỷ lệ lớn nhất có trên công trường, các bản vẽ thiết kế dưới dạng Autocad. Thông thường thì kích thước, tọa độ, cao độ hoàn công và các độ lệch tương ứng ghi trong dấu ngoặc đơn với màu sắc khác với màu sắc số liệu thiết kế.